Lừa đảo "Combo du lịch giá rẻ" | Vấn nạn nhức nhối và cách thức phòng tránh
Chiêu trò lừa đảo "Combo du lịch giá rẻ" không phải là mới và đã được khuyến cáo là một trong những hình thức lừa đảo diễn ra tại Việt Nam.
"Chiêu bài" chuyển tiền rồi chặn liên lạc
Ngày 20/4, chị N.T.H truy cập vào 1 số nhóm trên facebook để tìm kiếm combo nghỉ dưỡng du lịch ở Sa Pa. Thấy thông tin 1 tài khoản facebook đăng bán combo 3 ngày 2 đêm gồm vé xe giường nằm khứ hồi và phòng nghỉ tại khách sạn 4 sao có tiếng với chi phí chỉ 2 triệu đồng/người và tổng khoản tiền cần thanh toán là 8 triệu đồng. Người bán yêu cầu du khách chuyển khoản cọc 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân, sau đó sẽ gửi mã đặt xe, phòng qua email nên chị H đã thực hiện chuyển khoản.
Sau gần 1 ngày không nhận được mã đặt phòng và xe, chị H liên hệ lại với người bán thì phát hiện mình đã bị tài khoản này chặn. Thực chất đây chính là tài khoản ảo lập ra với mục đích lừa đảo, sử dụng tên và ảnh của người khác để không bị phát hiện danh tính thật.
Tương tự chị H, chị D.T.L cư trú tại Bắc Ninh cũng sập bẫy combo du lịch giá rẻ với những chiêu trò vô cùng tinh vi. Giữa tháng 7, chị đăng tin bài trong 1 nhóm săn voucher và combo du lịch, tìm phòng nghỉ ở Nha Trang cho chuyến đi ngày 31/8 - 3/9 thì 1 nick facebook đã nhắn tin liên hệ với chị, giới thiệu combo gồm vé máy bay và 4 ngày 3 đêm nghỉ tại 1 khách sạn 5 sao nổi tiếng tại Nha Trang, với giá 4 triệu đồng/người lớn và 2 triệu đồng/trẻ em. Người này gửi cho chị D.T.L mã đặt chỗ máy bay, khách sạn và yêu cầu thanh toán đủ combo 5 người lớn, 1 trẻ em. Để tăng độ tin cậy, người này gửi hình chứng minh thư và những giao dịch đã thành công trước đó. Sau khi xác nhận với hãng hàng không và khách sạn là có thông tin mã đặt chỗ, chị L chuyển khoản đủ 22 triệu đồng tới số tài khoản ngân hàng có trùng tên trên chứng minh thư.
Sau 1 ngày không nhận được email xác nhận, chị L kiểm tra lại trên website các hãng thì thấy mã đặt chỗ đã bị hủy do chưa thanh toán sau 24 giờ. Liên hệ với người bán combo, chị liên tục nhận được những giải thích vòng vo và không rõ ràng. Nhiều ngày sau vẫn không nhận được tin nhắn hay mail xác nhận từ hệ thống, chị L biết mình bị lừa và cũng không liên hệ được với người bán nữa. Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp bị lừa đặt combo du lịch giá rẻ trong thời gian qua.
Dấu hiệu nhận biết Combo du lịch giá rẻ lừa đảo
Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, khiến cho việc tiếp nhận và tìm hiểu thông tin trên môi trường này trở nên dễ dàng hơn. Mọi giao dịch có thể được hoàn thành chỉ sau vài tin nhắn. Người cần tìm combo đăng bài và chỉ vài phút sau, rất nhiều người bán sẽ tự động nhắn tin quảng cáo và tư vấn cho họ. Tuy nhiên, các mạng xã hội tập trung người bán và người mua nên dễ bị lợi dụng bởi những đối tượng xấu để lừa đảo. Chúng không cần đăng tin rao bán mà chỉ cần có khách hỏi mua sẽ tự động nhắn tin mời chào, không thể biết ai thật ai giả. Không phải hội nhóm lập ra để lừa đảo, nhưng hội nhóm đã bị lợi dụng và biến tướng.
Ngoài chiêu trò này, những kẻ lừa đảo giờ còn mạo danh các hãng lữ hành lớn để đăng tin lên hội thanh lý voucher, combo, giao dịch và lừa đảo. Ngoài những thủ thuật “biến ảo khó lường” này, nhiều kẻ gian còn sử dụng số giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành, giải thưởng và tạo website rất đẹp để lừa khách.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ở hình thức “Combo du lịch giá rẻ”, kẻ lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
Kẻ lừa đảo đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền. Hoặc các đối tượng giả mạo website và fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết. Thậm chí, làm giả hay chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Các đối tượng cũng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để dụ dỗ con mồi.
Nếu khách hàng sập bẫy, đối tượng lừa đảo sẽ đặt vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian nhất định và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến check in tại sân bay hoặc tra cứu mã đặt chỗ chi tiết. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng lừa đảo sẽ không xuất vé máy bay và chặn liên lạc.
Nâng cao cảnh giác với những lời chào mời hấp dẫn
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch và nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch. Cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ; đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.
Đồng thời, cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ. Đối với các trang mạng xã hội hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Khách hàng cần phải thực hiện kiểm tra chéo về thông tin; cụ thể như yêu cầu nơi bán gói du lịch cung cấp thông tin về địa chỉ, số điện thoại của khách sạn nơi đến. Từ đó có thể kiểm tra với khách sạn về chương trình ưu đãi với đối tác bán tour có hay không? Kế đến, khách hàng kiểm tra đơn vị bán tour du lịch phải có định danh rõ ràng, bao gồm địa chỉ văn phòng, nơi giao dịch cụ thể. Cuối cùng, nếu không giao dịch trực tiếp vẫn nên có cuộc gọi trao đổi bằng video và ghi âm lại để làm bằng chứng đối chiếu sau giao dịch.
Trong thời gian qua, các vụ lừa đảo combo du lịch trên mạng xã hội chưa được các cơ quan pháp luật xử lý. Nguyên nhân chính là do người mua combo không biết tên, mặt hay địa chỉ liên hệ của người bán. Khi bị lừa đảo, nếu người mua trình báo với cơ quan chức năng thì cũng mất nhiều thời gian để xác định danh tính, thông tin đối tượng lừa đảo cũng như chứng minh hành vi lừa đảo của đối tượng. Hơn nữa, nhiều khách hàng cũng có tâm lý ngại trình báo cơ quan pháp luật do số tiền bị chiếm đoạt không lớn. Điều này khiến các vụ lừa đảo diễn ra nhiều hơn.
Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
MƯỜNG THANH HOSPITALITY
- Hotline: 1900 1833
- Fanpage: https://www.facebook.com/fan.muongthanh/
- Website: https://muongthanh.com/
- Booking: https://booking.muongthanh.com/
- Nhà Mường: http://nhamuong.com/
Tin tức du lịch tương tự